TƯ DUY PHẢN BIỆN VS. “FAKE NEWS”
Nếu một ngày, bạn thấy trên newsfeed của mình xuất hiện những tin giật gân thu hút sự chú ý thì hãy kiểm tra trước khi tin vào chúng.
Những hình ảnh đau xót thương tâm, những phương pháp trị bệnh nan y dễ dàng mà không dùng thuốc, những câu chuyện chính trị mang tính kích động, là những chủ đề ưa thích của “fake news”. Đơn giản là bởi vì nó đánh vào cảm xúc nhất thời của người xem, dễ được chia sẻ và có tương tác cao. Nói ngắn gọn theo ngôn ngữ Marketing thì có nghĩa là dễ “Go viral”.
Hiện nay có rất nhiều bài viết cũng nói về hiện tượng “fake news” này, đại loại như hãy trau dồi kỹ năng chọn lọc thông tin, đừng tin vào tất cả các tin tức trên Facebook, làm thế nào để đối phó với “fake news” trong thời hiện đại, hoặc làm thế nào để là một người chia sẻ các bài viết một cách có trách nhiệm… Những thông tin sai sự thật được lan tỏa với tốc độ chóng mặt là lý do mà nhiều người cho rằng mạng xã hội ngày nay là bãi rác của tin vịt, nhưng suy cho cùng cũng cần xem lại thói quen sử dụng mạng xã hội của chúng ta.
Đối với những thông tin bằng tiếng Anh thì bạn có thể kiểm tra độ đúng/sai của nó trên trang: https://www.snopes.com.
Trau dồi tư duy phản biện để đấu tranh với “fake news”
Là một người dùng thông thái thì bạn cần phải có tư duy phản biện (Critical Thinking) : Đây là môn học mà mình đã từng học rất kĩ ở trường đại học và mình tin rằng nó thực sự rất cần thiết cho các bạn trẻ như chúng ta. Tư duy phản biện là khả năng “phân tích, lập luận, phản biện một cách rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ khách quan và công bằng, để có thể đánh giá thông tin theo các góc nhìn khác, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề”.
Nói một cách khác, nếu bạn là một “Critical thinker”, bạn sẽ nghi ngờ và chấp vấn gần như tất cả mọi thứ. Và một khi bạn đã tin vào một điều gì đó, thì đó là vì bạn đã lật đi lật lại vấn đề đó rất kỹ, chứ không phải bởi vì nhiều người bảo thế.
Một critical thinker giỏi sẽ biết phân biệt sự kiện. Họ biết cách tiếp thu thông tin trong các bài viết từ nhiều góc độ khác nhau, đưa ra các kết luận hợp lý, và kìm lại những thành kiến, cũng như cảm xúc cá nhân của mình.
Một critical thinker giỏi chính là tiếng nói bình tĩnh và hợp lý của lý trí, thay vì hoảng loạn của đám đông theo cảm tính. Họ là người có thể sáng suốt đánh giá mọi giải pháp và chọn ra những phương pháp hợp lý nhất có thể giải quyết được vấn đề. Họ rất khó để bị sập bẫy bởi những trò gian lận hoặc lừa đảo.
Hôm nay mình vô tình nhìn thấy cái đường dẫn này trên newsfeed, nói về việc “Người ta chết chủ yếu vì hóa trị, chứ không phải do ung thư”, chỉ trong vòng 12 tiếng có hàng nghìn lượt Like, hàng trăm lượt chia sẻ, cũng như phần lớn người comment thể hiện thái độ đồng tình và ủng hộ. Điều này cũng có nghĩa là sẽ có hàng nghìn người đọc và tin, hàng vạn người được nghe kể lại và phân vân. Trong số đó có bao nhiêu người sẽ từ chối cho người thân bị ung thư được điều trị hóa trị, để nằm nhà uống nước lá khoai? Liệu rằng nó có đúng hay không?
Sống chung với mạng xã hội là một thực tế không thể tránh khỏi nhưng mỗi người cần phải luyện cho mình tư duy phản biện để biết chọn lọc thông tin đúng và sai.
Hãy là một người đọc tin tức với tư duy phản biện sâu sắc, bạn nhé!
Tác giả: Minh Châu
0 Bình luận