Sherlock Holmes- Người Đàn Ông Thay Đổi Thế Giới
“My name is Sherlock Holmes. It is my business to know what other people don’t know.”
(“Tên tôi là Sherlock Holmes. Công việc của tôi là biết những gì mà người khác không biết.”)
Hơn một trăm năm trước, Sherlock Holmes lần đầu tiên ra mắt công chúng nước Anh. Người đàn ông ấy, vị thám tử sở hữu tư duy lạnh lùng và niềm tin vào công lý của riêng bản thân, đã trở thành mẫu nhân vật thành công nhất trong lịch sử tiểu thuyết trinh thám.
Không chỉ thay đổi cuộc đời cha đẻ mình- Athur Conan Doyle, Sherlock Holmes còn thay đổi cả thế giới.
- Chính tác giả cũng không thể giết chết:
Sherlock Holmes xuất hiện lần đầu trong truyện ngắn “A study in scarlet” (“Cuộc điều tra màu đỏ”, ở Việt Nam còn được biết đến với tên “Chiếc nhẫn tình cờ”), thuê trọ tại số nhà 221B phố Baker, London, Anh cùng bác sĩ Watson, bạn thân và người ghi chép mọi vụ án của Holmes.
Conan Doyle dường như vừa yêu vừa hận đứa con của mình. Suốt hai năm trời, Holmes đã vắt kiệt Conan Doyle. Ông phải dành nhiều thời gian để tìm kiếm và suy nghĩ ra những cốt truyện hấp dẫn với người đọc, trong khi thời hạn hoàn thành tác phẩm do các tạp chí đặt ra ngày càng trở thành gánh nặng. Holmes thậm chí còn lấn át mọi “đứa con” khác của Doyle.
Tất cả đẩy nhà văn vào quyết định phải “kết liễu” Sherlock Holmes.
Trong truyện ngắn “The final problem” (“Vấn đề cuối cùng”), Holmes bất cẩn tiến đến mép một tảng đá và rơi xuống thác nước Reeichenbach cùng đối thủ truyền kiếp là giáo sư Moriaty.
Tuy nhiên, Conan Doyle đã đánh giá thấp sức ảnh hưởng của nhân vật của mình.
Phản ứng của dư luận khác hoàn toàn với cái chết của bất kì nhân vật tưởng tượng nào trước đó. Người dân London buộc khăn tang trên mũ hoặc cổ tay trong suốt tháng Holmes qua đời. Hơn 20.000 người đã bỏ đặt mua báo Strand vì cảm thấy “bị xúc phạm bởi cái chết của Holmes” khiến tờ báo này suýt nữa phải phá sản. Người Mỹ thành lập câu lạc bộ “Let’s keep Holmes alive!” (“Hãy để Holmes còn sống!”). Những lá thư chỉ trích nặng nề được gửi tới gia đình tác giả. Bản thân Conan Doyle cũng nhiều lần bị mắc kẹt và buộc phải sử dụng súng với đám đông biểu tình.
Trước tình yêu mến quá nồng nhiệt của độc giả, gần mười năm sau, Doyle đã buộc phải mang Holmes trở lại trong truyện ngắn “The Hounds of Baskerville” (“Con chó săn của dòng họ Baskervilles”). Tác phẩm được lấy bối cảnh trước ngày định mệnh của Holmes.
Năm sau, nhà văn tiếp tục ra mắt “The Adventure of the Empty House” (“Bí mật ngôi nhà trống”), trong đó Conan Doyle lý giải rằng chỉ có Moriarty rơi khỏi vách đá còn Holmes thì chỉ giả chết để tiếp tục điều tra về tổ chức của Moriarty.
- Biểu tượng của thời đại Victoria.
Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng Holmes là một người kì lạ- thậm chí có phần quái gở và khác biệt với đám đông. Nhưng đồng thời, con người của ông lại bộc lộ rất rõ đặc điểm của một quý ông tại London trong khoảng thời gian cuối thể kỉ XIX- đầu thế kỉ XX.
Như một quý ông, Holmes có những chuẩn mực trong trang phục và duy trì sự sạch sẽ cá nhân (dù căn phòng của ông khá bừa bãi và cẩu thả).
Vị thám tử luôn giữ khoảng cách với phái nữ và không muốn yêu đương, nhưng ông lại luôn lịch thiệp với những người phụ nữ ông gặp. Người đàn ông luôn nóng vội trước những bí ẩn này đã chấp nhận kìm nén bản thân để mời một phụ nữ một ít rượu Rum nhằm trấn an cô ấy. Holmes cũng không dấu sự tôn trọng dành cho những người phụ nữ ông cho là xứng đáng, như sự kính phục tới Irene Adler– nhân vật nữ phản diện trong “A Scandal in Bohemia” (“Vụ tai tiếng ở xứ Bohemia”), hay Nữ hoàng Victoria “một người phụ nữ duyên dáng”.
Một điểm khá “Victoria” nữa ở Holmes là tư duy. Năm 1859, những cuốn sách của Charles Dawin đã thay đổi suy nghĩ về khoa học của người Anh. Holmes xuất hiện như một ví dụ tiêu biểu, với cách tiếp cận vấn đề rất thuyết phục và có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu khoa học để hỗ trợ cho sự nghiệp của mình. Holmes cũng từ chối mọi sự mê tín dị đoan. Trong “The Hound of the Baskervilles” (“Con chó săn của dòng họ Baskervilles”), ông cho rằng câu chuyện về con chó “chỉ thú vị với những nhà sưu tầm cổ tích”. Holmes dường như theo đuổi thuyết vô thần, điều đã dần trở nên phổ biến vào đầu những năm 1900.
- Những cuộc so tài bất tận
Một vị anh hùng luôn phải có đối thủ xứng tầm, và quý ngài Sherlock Holmes của chúng ta hiển nhiên cũng vậy. Ngoài Napoleon của giới tội phạm- giáo sư Moriaty trong tác phẩm gốc, hậu bối cũng đặt ra nhiều đối thủ xuất sắc cho Holmes.
Cùng thời với Holmes, nhưng xuất hiện trong đời thực, là Jack the Ripper (“Jack đồ tể”). Từ năm 1888 đến năm 1891, hắn đã giết mười một người phụ nữ bằng những phương pháp dã man. Hắn trở thành nỗi khiếp sợ khắp thành phố sương mù và là sự nhục nhã của cảnh sát. Nhưng đến tận ngày nay, danh tính của Jack vẫn còn là điều bí ẩn.
Việc hai nhân vật “tài giỏi” trái ngược nhau và cùng xuất hiện trong một thời kì đã gây nên cuộc tranh luận: Liệu Sherlock Holmes có thể tìm ra Jack the Ripper? Hiển nhiên chúng ta không thể có câu trả lời, nhưng cuộc tranh luận đã trở thành một đề tài hấp dẫn. Năm 2009, trò chơi điện tử “Sherlock Holmes versus Jack the Ripper” (“Sherlock Holmes đấu với Jack the Ripper) được phát hành. Tập phim “Detective Conan movie 6: The Phantom Of Baker Street” (“Thám tử Conan movie 6: Bóng ma trên phố Baker”) cũng lấy bối cảnh Sherlock Holmes và Jack the Ripper cùng tồn tại trong thành phố London (dù tập phim hầu như không có bóng dáng của Holmes).
Một nhân vật khác được cho là “xứng tầm” với Holmes là siêu trộm Arsene Lupin của nước Pháp. Hai nhân vật này có khá nhiều điểm tương đồng: cùng thời đại, lịch lãm, phong độ, ái quốc, chán ghét bộ máy quan liêu đương thời và cùng có tài năng xuất sắc. Tuy nhiên, thay vì trực tiếp chiến đấu chống lại cái ác như Holmes, Lupin lại xuất hiện như một kẻ phản diện và hành động đầy bí ẩn.
Cha đẻ của Arsene Lupin- Maurice Le Blanc đã từng để Lupin và Holmes đối đầu với nhau trong “Arsene Lupin Versus Sherlock Holmes” (“Arsene Lupin đối đầu với Sherlock Holmes”). Tuy nhiên, cuộc đối đầu bị cho là không công bằng vị Maurice Le Blanc đã thiên vị “con đẻ” của mình. Đề tài về đôi kì phùng địch thủ cũng được người đời sau khai thác nhiều, chẳng hạn như trò chơi “Sherlock Holmes: Nemesis” (“Sherlock Holmes: Sự báo thù”) được phát hành năm 2007 hay được tác giả Aoyama Gosho cho ‘tái ngộ’ trong cuộc đấu trí giữa thám tử Conan và Siêu đạo chích Kaito Kid.
- Người đàn ông sống hơn 130 năm:
Cho đến ngày nay, Sherlock Holmes là nhân vật giả tưởng được chuyển thể nhiều nhất thế giới. Chỉ riêng hai thập kỉ đầu thế kỉ XX, đã có hơn một trăm bộ phim về Sherlock Holmes. Holmes được thể hiện bởi tất cả mọi người ở khắp mọi nơi, từ phim truyền hình, điện ảnh, kịch, đài phát thanh, tiểu thuyết,v.v… Có quá nhiều Sherlock Holmes đến mức người ta thường nhầm lẫn bản gốc với những biến thể khác của ngài thám tử.
Chẳng hạn, chiếc mũ săn hươu và áo khoác được nghĩ ra bởi họa sĩ minh họa đầu tiên của truyện Sidney Paget. Tẩu thuốc không xuất hiện nhiều trong tác phẩm gốc mà trở nên quen thuộc qua sự thể hiện của diễn viên người Mỹ William Gillette. Hay câu nói nổi tiếng “Elementary, my dear Waston” (“Điều cơ bản thôi, Waston thân mến”) do nhà văn kiêm danh hài P. D. Wodehouse nghĩ ra.
Ở Trung Quốc, người hâm mộ tự viết nhiều tiểu thuyết trong đó Sherlock Holmes và bạn thân Watson là một cặp đôi đồng tính.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự tác động của Holmes tới kĩ thuật điều tra và ngành pháp y được nói tới trong “How Sherlock Holmes changed the World” (“Sherlock Holmes đã thay đổi thế giới thế nào”) của đài PBS, Hoa Kỳ.
Holmes cũng xuất hiện như một biểu tượng du lịch tại Anh. Khi bạn bước xuống trạm tàu điện ngầm phố Baker, hình ảnh vị thám tử ngậm tẩu thuốc sẽ lập tức xuất hiện trước mắt bạn. Căn nhà số 221B phố Baker, London được lên làm “The Sherlock Holmes Museum” (“Bảo tàng Sherlock Holmes”), trong đó tầng hai và tầng ba được trang trí y như căn nhà trong tiểu thuyết, và tầng một bày bán quà lưu niệm và tầng bốn đặt tượng sáp các nhân vật từng xuất hiện trong “Sherlock Holmes”.
Ngày 14 tháng 3 năm 2015, bảo tàng London đã tổ chức cuộc triển lãm đặc biệt về Sherlock Holmes. Chủ đề cuộc triển lãm là một câu đánh giá rất chính xác dành cho vị thám tử tài ba:
“Sherlock Holmes: The Man Who Never Lived And Will Never Die” (“Sherlock Holmes: Người Đàn Ông Không Bao Giờ Sống Và Sẽ Không Bao Giờ Chết”).
Nguồn ảnh: Pinterest, Wikipedia
Người viết: Hà Phương
0 Bình luận